Thứ 4, Ngày 02/04/2025 -
Sau gần 10 năm thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, nhìn chung tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã dần đi vào ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để chính quyền ở địa phương trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đảm bảo việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bộ máy chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm gắn kết thống nhất giữa Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đồng thời đảm bảo sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Là căn cứ pháp lý để thực hiện tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương đến từng cấp chính quyền địa phương theo hướng đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động quản lý với các hoạt động của chính quyền địa phương; gắn lợi ích và sự tham gia của người dân với các hoạt động của chính quyền địa phương; đa dạng về mô hình tổ chức và tinh gọn về bộ máy của các cấp chính quyền địa phương, thúc đẩy sự phân công lao động hợp lý và tinh giản biên chế giữa các cấp chính quyền địa phương; có sự khác biệt rõ rệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.
Thứ hai, công khai, minh bạch hoạt động chính quyền địa phương từ ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, hoạt động giám sát, chất vấn của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, hoạt động của Uỷ ban nhân dân. Cần hoàn thiện nguyên tắc hoạt động theo chế độ tập thể Uỷ ban nhân dân theo hướng làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và của từng thành viên Uỷ ban nhân dân, trong đó ủy viên Uỷ ban nhân dân là người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân được quyết định các công việc thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân với tư cách là thành viên Uỷ ban nhân dân để khắc phục tính hình thức trong hoạt động của chức danh này hiện nay.
Thứ ba, Cần phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương về các lĩnh vực như: Quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn.
Thứ tư, nghiên cứu bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, tăng cường trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân. Sửa đổi các quy định liên quan đến giao quyền, phụ trách điều hành hoạt động của Uỷ ban nhân dân trong trường hợp khuyết Chủ tịch Uỷ ban nhân dân.
Thứ năm, nghiên cứu quy định rõ mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân các cấp, trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp dưới trong công tác phối hợp, tổ chức và hướng dẫn hoạt động để định hướng hoạt động, phối hợp giám sát với việc thực hiện các Nghị quyết Hội đồng nhân dân đã ban hành, giải quyết các vấn đề vượt quá thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp dưới rất cần sự phối hợp, định hướng của Thường trực Hội đồng nhân dân với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp dưới.
Thứ sáu, nghiên cứu bổ sung quy định việc Hội đồng nhân dân được phân cấp hoặc ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân được xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân liên quan đến thủ tục hành chính, điều chỉnh chủ trương mà không làm thay đổi quy mô, tính chất, mục tiêu... mà nghị quyết của Hội đồng nhân dân đã ban hành. Đồng thời quy định các trường hợp khuyết Thường trực Hội đồng nhân dân.
Thứ bảy, nghiên cứu sửa đổi theo hướng cần phân biệt tỉnh có quy mô dân số, diện tích lớn hay nhỏ để đảm bảo tính đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương, tăng tính chủ động, sáng tạo trong việc quyết định tổ chức bộ máy hành chính để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước sát với tình hình của địa phương.
Thứ tám, ban hành quy định về tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm đối với đại biểu, Tổ đại biểu, Ban Hội đồng nhân dân phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để làm căn cứ thực hiện, như vậy trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ được nâng lên.
Thứ chín, nghiên cứu quy định việc bãi bỏ văn bản trái pháp luật do chính cơ quan được giao thẩm quyền ban hành. Thực tế, nhiều văn bản do cơ quan, cá nhân ban hành trái pháp luật, quá trình tự kiểm tra tự phát hiện văn bản do mình ban hành chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng Luật không quy định việc xử lý trong trường hợp này. Đồng thời Luật cũng chưa quy định đầy đủ các hình thức xử lý văn bản trái pháp luật (mới có đình chỉ, bãi bỏ mà chưa có hình thức thu hồi, hủy bỏ) để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và các văn bản chuyên ngành.
Thứ mười, nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương; tăng cường sự tham gia của Nhân dân, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động của chính quyền địa phương./.
Tin tức liên quan
(25/02/2025)
(13/02/2025)
(13/02/2025)
(17/01/2025)
(18/12/2024)